Bốn sai lầm khiến bạn cứ làm đồng nào tiêu sạch đồng đó, tiết kiệm là chuyện quá xa vời

12-06-2020 – 09:27 AM Sống

“Phải tiêu hết tiền mới là sống hết mình, mỗi người chỉ có một cuộc đời, một tuổi trẻ, không ăn không hưởng đi còn chờ đến bao giờ” là nhận thức sai lầm nhất trên con đường tiết kiệm.

Nhiều người vẫn cho rằng mấy chữ “tiền tiết kiệm” nghe có vẻ hợp với thế hệ trước hơn, và cụm từ này cũng thường đi kèm với giọng điệu hơi sầu lo một chút. Nhưng càng ngày thực tế càng chứng minh, bất kể bạn thuộc độ tuổi nào, tiết kiệm tiền vẫn là một việc vô cùng quan trọng. Đặc biệt là khi bạn đi làm, bước vào xã hội, bạn sẽ hiểu vì sao bố mẹ luôn hy vọng chúng ta bồi dưỡng ý thức tiết kiệm tiền, bởi lẽ chỉ khi nhận thức và thực hiện được điều này, chúng ta mới có thể trưởng thành, mới có khả năng làm những việc mà chúng ta muốn làm.

Đương nhiên, ngay cả việc tạo dựng ý thức tiết kiệm cũng vốn là chuyện chẳng dễ dàng, thậm chí nhiều người trẻ còn tỏ ra bài xích nó trong tiềm thức. Trên con đường tiết kiệm, họ luôn tìm ra rất nhiều lý do khác nhau để từ bỏ. Người trẻ thường có xu hướng đổ lỗi cho các nhân tố khách quan gây ra sự bất lực của bản thân mà phớt lờ nguyên nhân chủ quan từ phía chính mình. Nói chung, người trẻ không tiết kiệm được tiền, âu cũng vì 4 lý do chính sau đây.

1. Luôn kiếm ra cả đống cớ mỗi lúc không tiết kiệm được tiền

Tôi từng đọc đâu đó confession của một thanh niên có viết: “Một tháng, tiền ăn của tôi rơi vào tầm 3 triệu. Chủ chi mấy vụ liên hoan, mời khách 2 lần/tháng cũng mất độ 3 triệu, tiền thuê nhà, sinh hoạt phí, tiền cafe linh tinh mất thêm 3 triệu nữa. Chuyện du lịch này kia thì chỉ dám mơ, tiết kiệm là điều không thể, còn đầu tư tài chính gì đó càng bất khả thi hơn.”

Giống như anh chàng này, người trẻ thường tìm ra rất nhiều lý do để không phải tiết kiệm tiền. Phần lớn các nguyên nhân là vì họ cho rằng trong một tháng họ vẫn phải ăn, phải uống đầy đủ. Cả tháng trời vất vả làm việc, họ không thể tiếp tục đày đọa mình chen chúc trên xe bus hay ăn mấy quán bình dân, vì như vậy không xứng với công sức họ bỏ ra.

Có lẽ họ không biết, tâm lý này khiến người trẻ truy cầu chất lượng sinh hoạt sai lầm, nói cách khác, dù thu nhập họ nhiều hay ít, điều đầu tiên họ muốn đảm bảo chính là sự hưởng thụ của bản thân. Thực tế, đây không phải là hưởng thụ, đây là phẩm chất cuộc sống có phần giả tạo.

Nếu một tháng bạn chi ra 3 triệu để ăn ngủ nghỉ là xác đáng thì một tháng bỏ ra 3 triệu mời khách lại là điều nghe khá phi lý. Nói vậy không có nghĩa là cấm bạn mời người khác, chỉ là bạn phải tìm ra một giới hạn, và giới hạn này được quyết định bởi mức thu nhập của bạn.

Nếu lương bạn chỉ 10 triệu nhưng mỗi tháng bạn phải bỏ ra 3 triệu để xã giao, thế là không thích hợp. Nếu lương bạn 30 triệu thì chi 1/10 số đó ra xã giao lại là chuyện bình thường. Tóm lại, bạn phải tìm được vị trí của mình, từ đó rút ra mức độ tiêu dùng của bản thân, thay vì mù quáng tiêu hết tiền.

Nói chung, bạn bỏ tiền ra để mua quan hệ, mời khách, mời bạn bè không thực sự là chuyện tốt đâu. Thoạt nhìn có vẻ bạn có rất nhiều bạn bè, bạn rất hào phóng nhưng khi bạn hết tiền hoặc bạn không còn làm chủ chi nữa, bạn sẽ phát hiện có một số người bạn chỉ là bạn nhậu chứ chẳng phải bạn thâm giao. Số tiền này cũng như vứt ra ngoài cửa sổ, không có chút hữu ích nào cho tương lai.

2. Cho rằng vì thu nhập thấp nên không thể tiết kiệm

Có một vài người khi nghe thấy chuyện tiết kiệm thường than thở: “Một tháng tôi kiếm được có 6-7 triệu, tiền sinh hoạt còn chẳng đủ, lấy đâu ra mà tiết với chẳng kiệm?” rồi “Lương cao thì tất nhiên là tiết kiệm được tiền rồi. Tôi mà có lương cao hơn bạn thì tôi còn tiết kiệm được nhiều hơn.”

Những người trẻ quy hết việc mình không tiết kiệm được đổ cho tiền lương thấp cũng là một nhận thức sai lệch.

4 sai lầm khiến bạn cứ làm đồng nào tiêu sạch đồng đó, tiết kiệm là chuyện quá xa vời - Ảnh 1.

Thực tế vẫn có những người lương chỉ 10 triệu nhưng vẫn trích được 3-5 triệu để gửi về nhà cho bố mẹ, số tiền còn lại vẫn đủ sống.

Điều này có nghĩa là chuyện tiết kiệm xưa nay không liên quan đến lương cao hay thấp, quan trọng là hình thành suy nghĩ. Bởi vì kể cả khi bạn lương cao, bạn cũng không thể tiết kiệm mãi được. Bởi vì khi bạn có thu nhập cao, mức độ tiêu dùng của bạn cũng sẽ tăng lên, tiền lương sẽ tiếp tục không đủ sống nếu bạn vẫn giữ nguyên định kiến ban đầu.

Lương thấp có cách tiết kiệm của lương thấp, lương cao có cách tiết kiệm của lương cao, khác nhau là ở chỗ bạn tiết kiệm được bao nhiêu tiền. Bạn không thể vin vào cớ lương thấp để tiêu sạch bách những gì mình kiếm được.

3. Đồng tiền giờ mất giá, tiết kiệm làm gì?

Người trẻ hiện tại tiếp xúc với thông tin một cách rất nhanh chóng, vấn đề lạm phát đối với họ không còn là khái niệm xa lạ. Chuyện này vốn là chuyện tốt, nhưng có không ít người lấy nó ra để biện minh cho việc mình không có tiền.

Họ cho rằng, “Tiền càng ngày càng mất giá, 60 tuổi để dành được 3 tỷ nhưng giá trị thực chỉ tầm 2 tỷ thôi”. Lạm phát là vấn đề chung ai cũng biết và chúng ta không thể thay đổi được. Nhưng tiền giảm giá trị và có tiền hay không vốn là 2 khái niệm không thể đánh đồng.

4 sai lầm khiến bạn cứ làm đồng nào tiêu sạch đồng đó, tiết kiệm là chuyện quá xa vời - Ảnh 2.

Ví dụ như, 30 năm sau, tôi có 3 tỷ với giá trị thực là 2 tỷ, nhưng còn bạn, bạn có 3 tỷ trong tay hay không? Bạn định tháng nào tháng nấy đều kiếm được bao nhiêu tiêu bấy nhiêu, 30 năm sau không một xu tiết kiệm trong tài khoản ư? Nếu khi đó sức khỏe gặp vấn đề, bạn định đối phó như thế nào?

Mặt khác, tiền bạc dù giảm giá trị nhưng nếu thông qua các phương pháp quản lý tài sản hoặc làm tăng giá trị đồng tiền thì bạn vẫn có thể vượt qua lạm phát một cách dễ dàng.

4. Tiêu hết tiền mới là sống hết mình, đây là nhận thức sai lầm nhất

Không biết từ bao giờ, tôi thường đọc được trên MXH những luận điệu kiểu như: Phải tiêu hết tiền mới là sống hết mình, mỗi người chỉ có một cuộc đời, một tuổi trẻ, không ăn không hưởng đi còn chờ đến bao giờ. Thực ra đây là nhận thức sai lầm nhất trên con đường tiết kiệm.

Người làm kinh doanh, thương mại, dịch vụ thường dùng luận điệu này để thu hút khách hàng. Bọn họ chủ trương phải bỏ tiền ra mới là biết trân trọng thanh xuân, mới là biết hưởng thụ cuộc sống. Nhưng nếu bạn tiêu hết tiền bạn kiếm được, sau này kết hôn, bạn định sống ra sao? Có con rồi, bạn cho con bạn một môi trường giáo dục tốt như thế nào? Rồi tiền mua nhà mua xe lấy ở đâu ra?

Người trẻ chẳng lẽ không tự nhận ra nghịch lý của bản thân khi cứ vừa tiêu xài hoang phí vừa than vãn sao chưa hết tháng mình đã hết tiền hay sao?

Tiền đúng là dùng để tiêu, nhưng không phải tiêu một cách lung tung mà phải tiêu vào những thứ cần thiết.

Chỉ cần suy nghĩ kĩ một chút bạn sẽ phát hiện, tiền phải ở trong tài khoản của bạn mới là tiền của bạn, tiền mà lúc cần dùng có thể rút ra ngay mới là tiền của bạn, tiền mà có thể mang ra để giải quyết các vấn đề trọng đại trong đời mới là tiền của bạn. Nếu bạn tiêu sạch sành sanh, tiền không bao giờ là của bạn hết mà là của người khác, tiền sẽ chui vào túi những người làm kinh doanh mà ngày ngày kêu gọi bạn hãy tiêu tiền đi.

Sẽ rất khó để hình thành ý thức tiết kiệm tiền, nhất là khi xung quanh bạn không ngừng có những cám dỗ, những ham muốn kích thích bạn tiêu tiền. Nhưng chỉ cần bạn nghĩ đến cảnh rời thành phố về quê mà trong túi không có một đồng, nghĩ đến những đau đớn khi bệnh tật đầy mình nhưng không có tiền chữa trị, bạn sẽ nhận ra không có tiền tiết kiệm, bạn như một kẻ không manh áo che thân. Mùa hè có thể vẫn nhẹ nhàng, thoải mái, thậm chí vô tư chế giễu những người mồ hôi nhễ nhại đang từng bước tiến lên, tuy nhiên khi mùa đông đến, có lẽ chỉ một trận gió mùa cũng khiến bạn không chống đỡ nổi.

Bạn có thể có cả đống lý do để không tiết kiệm tiền nhưng lý do bạn cần tiết kiệm tiền chỉ có một thôi, đó chính là giúp tích lũy của cải, tài nguyên cho chính mình, để có thể ung dung làm những gì mình muốn trong tương lai. Một khi bạn chiến thắng được quan điểm sai lầm về việc cứ tiêu hết tiền, bạn nhất định sẽ thành công.

HĐN Theo Yingie

Tổ quốc

Tin Liên Quan